Trưng bày chuyên đề “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”

19/06/2019 09:07

Kinhte&Xahoi Ngày 20/6 tới, trưng bày hiện vật theo chuyên đề “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử” sẽ được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Chương trình là hoạt động do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ tổ chức.

Trưng bày Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử sẽ khai mạc vào lúc 10h ngày 20 tháng 6 năm 2019.

Quốc hiệu là tên chính thức được dùng trong quan hệ ngoại giao, pháp lý, thương mại... biểu thị tính chính thống của một vương triều, chính phủ quốc gia. Bên cạnh đó, quốc hiệu cũng thể hiện quốc thể, chủ quyền lãnh thổ, thể chế chính trị của một dân tộc trên trường quốc tế; cùng với quốc hiệu thì kinh đô (Thủ đô) cũng được các nhà nước đặc biệt coi trọng.

Ông Lê Đức Vịnh – Phó Trưởng phòng Trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, trải qua hàng ngàn năm, đất nước Việt Nam đã mang nhiều quốc hiệu ứng với từng giai đoạn khác nhau. Việc đặt quốc hiệu của các triều đại phong kiến thể hiện lòng tự tôn của dân tộc với các danh xưng như: Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam...; Việc lựa chọn vùng đất kinh đô cũng đặc biệt được coi trọng với vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa của cả một đất nước trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định.

Thông qua hoạt động trưng bày, Ban tổ chức giới thiệu tới công chúng 3 nội dung chính theo chuyên đề quốc hiệu và hơn 100 hiện vật đặc sắc, đa dạng về kiểu dáng, kích thước, chất liệu, chứa đựng những giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao có niên đại từ thời văn hóa Đông Sơn, đó là: Quốc hiệu Văn Lang, Âu Lạc  và thời kỳ dựng nước đầu tiên; Thời kỳ quân chủ phong kiến độc lập; Thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay.

Đầu phượng, đất nung, thế kỷ 11-13 là vật liệu trang trí kiến trúc. Tìm thấy tại khu vực Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. (Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội)
Đầu rồng. Đất nung, thế kỷ 10-11 là vật liệu trang trí kiến trúc. Tìm thấy tại Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. (Bảo tàng tỉnh Ninh Bình)
Lá đề hình rồng, gốm men trắng, thế kỷ 11-13 là vật liệu trang trí kiến trúc. Tìm thấy tại khu vực Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. (Bảo tàng Lịch sử quốc gia)
Tượng rồng. Vàng, gỗ. Niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 2 (1842). Sưu tập hiện vật cung đình triều Nguyễn (Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Cũng từ những tư liệu mộc bản Triều Nguyễn – Di sản Tư liệu thế giới, dấu tích là kết quả nghiên cứu khai quật, nghiên cứu khảo cổ học về các kinh đô cổ của Việt Nam, trưng bày mong muốn đem đến công chúng không chỉ ở khu vực Thủ đô mà người dân cả nước và bạn bè quốc tế những tư liệu lịch sử, bằng chứng vật chất thể hiện khát vọng, ý chí độc lập, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc của các bậc tiền nhân nước Việt.

Trưng bày "Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử" sẽ khai mạc vào lúc 10h ngày 20/6/2019 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 1, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Vũ Cừ


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đừng quên sen là quốc hoa!

Đang là mùa hoa sen nở, lá xanh mát mắt, bông hồng tươi đẹp, gió hồ mát rượi, quả là nơi lý tưởng để ghi lại những hình ảnh đáng nhớ trong những ngày hè nóng bỏng. Người đẹp bên hoa sen - một sự khoe sắc hài hòa và tôn vẻ đẹp của thiên nhiên và con người.

May mắn trong đời có Phật, có Thầy

Lúc còn nhỏ đọc những câu chuyện cổ tích, tôi luôn mơ được gặp Bụt mà không biết Bụt chính là Phật. Lớn lên đúng lúc Nhà nước mở cửa, cha mẹ lao vào kinh doanh, làm ăn có lãi, mải mê làm giàu cha mẹ đã bỏ quên tôi.

Nguồn: HATAP