Di tích tiếp nhận "hiện vật lạ" có thể mang lại nhiều hệ luỵ nghiêm trọng

23/04/2024 10:05

Kinhte&Xahoi Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc Ban Quản lý di tích tự ý tiếp nhận các hiện vật lạ vào Di tích mà không có sự đồng ý của cơ quan chức năng có thể mang lại nhiều hệ luỵ nghiêm trọng.

Mới đây Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã ban hành nhiều Kết luận thanh tra đối với Công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các tỉnh/TP như: Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Quảng Ninh…Liên quan nội dung này, tòa soạn đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng kể trên.

Qua các cuộc kiểm tra này, cơ quan chức năng đã phát hiện một số Ban Quản lý di tích đã tiếp nhận các "hiện vật lạ" (Lọ lục bình, đèn thờ, tranh…), không nằm trong hồ sơ xếp hạng di tích.

Để làm rõ hơn về việc tiếp nhận "hiện vật lạ" vào di tích sẽ ảnh hưởng như thế nào đến di tích, cũng như để lại hệ luỵ gì, Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Phóng viên: Qua những bài viết, nội dung kể trên, ông đánh giá như thế nào đối với việc Ban Quản lý di tích đã tự ý tiếp nhận các hiện vật lạ vào Di tích, khi chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng? Hệ luỵ nếu tiếp tục việc này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi đánh giá cao nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động ở các di tích và lễ hội, từ đó có biện pháp chấn chỉnh tốt hơn các hoạt động này. Theo tôi, việc Ban Quản lý di tích tự ý tiếp nhận các hiện vật lạ vào Di tích mà không có sự đồng ý của cơ quan chức năng có thể mang lại nhiều hệ luỵ nghiêm trọng.

Đầu tiên đó là về khía cạnh pháp lý và đạo đức. Việc tiếp nhận hiện vật mà không có sự chấp thuận của cơ quan chức năng có thể vi phạm pháp luật về bảo vệ di tích và quản lý di sản văn hóa. Điều này không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn liên quan đến đạo đức nghề nghiệp của những người làm việc tại di tích.

Thứ hai là về khía cạnh khoa học và lịch sử, theo đó các hiện vật lạ có thể chứa đựng những thông tin sai lệch về lịch sử, văn hóa, và khoa học. Việc tiếp nhận chúng mà không qua sự xác nhận và nghiên cứu có thể dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ về sự hiểu biết sai lầm đối với di tích.

Thứ ba là việc hành động một cách tự ý có thể gây ra sự không đồng tình trong cộng đồng sở hữu/liên quan đến di tích và xung đột với cơ quan quản lý Nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ và gây khó khăn trong việc hợp tác trong quản lý di tích.

Tại di tích Đền Trần (xã Tiến Đức, Hưng Hà), tại thời điểm kiểm tra, di tích còn tiếp nhận một số hiện vật như lọ lục bình, đèn thờ không nằm trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích, còn sử dụng nến cốc, vật dễ cháy trong nội tự.

Phóng viên: Bên cạnh đó, ông có thể đưa ra một số giải pháp nhằm xử lý triệt để nội dung kể trên?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi cho rằng, để giải quyết vấn đề vày, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường thông tin cho những người quản lý di tích về quy trình và quy định liên quan đến việc tiếp nhận hiện vật. Việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật và hợp tác với cơ quan chức năng sẽ giúp giảm thiểu những hành vi tự ý.

Thứ hai là cần tăng cường xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan quản lý di tích bằng việc tham gia các cuộc hội nghị, hội thảo, tư vấn hoặc thỏa thuận chung về việc tiếp nhận hiện vật.

Thứ ba là cần thiết lập quy trình rõ ràng và minh bạch. Các cơ quan quản lý di tích nên thiết lập và công bố các quy trình rõ ràng và minh bạch liên quan đến việc tiếp nhận hiện vật, bao gồm cả các quy định về sự đồng ý của cơ quan chức năng và các bước kiểm tra và xác nhận trước khi tiếp nhận. Thứ tư là cần thiết lập các cơ chế kiểm tra và giám sát chặt chẽ để bảo đảm rằng mọi hoạt động tiếp nhận hiện vật đều tuân thủ đúng quy trình và quy định.

Thứ năm, và theo tôi là quan trọng nhất, là cần tạo ra một môi trường làm việc đề cao giá trị đạo đức và ý thức trách nhiệm. Việc tăng cường giáo dục và thúc đẩy ý thức trách nhiệm cá nhân trong việc tuân thủ pháp luật và bảo vệ di tích là rất quan trọng và có ý nghĩa then chốt trước khi mọi việc xảy ra quá muộn.

Xin cảm ơn ông!

 Qua kiểm tra, Bộ VH, TT&DL yêu cầu Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội, thủ nhang thực hiện nghiêm công tác quản lý di tích, tổ chức lễ hội theo các quy định của Luật Di sản văn hoá và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Không tiếp nhận hiện vật không rõ nguồn gốc (linh vật, đồ thờ cúng…) không có trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích. Khắc phục ngay các tồn tại đã kể trên.

Cùng với đó, Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội cần xử lý, chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội trên địa bàn như đốt vàng mã, ăn xin, khấn thuê; hàng quán lấn chiếm lối đi vào di tích; nâng giá hàng hoá dịch vụ và trông giữ phương tiện;… Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Lắp đặt hệ thống bảng, biển hướng dẫn nhân dân và du khách về tham dự lễ hội tại các điểm vào di tích.

Vũ Quang - Lê Hải - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tại sao nhiều người Việt mất thói quen đọc sách?

Thời các phương tiện nghe - nhìn chưa phát triển, với nhiều người, sách phải “để dành” kẻo mai không có để đọc… Ngày nay sách nhiều, nhưng không ít người bi quan cho rằng, dường như nhiều người Việt đã mất thói quen đọc sách?

link bài gốc https://phapluatplus.vn/di-tich-tiep-nhan-hien-vat-la-co-the-mang-lai-nhieu-he-luy-nghiem-trong-198321.html