Hy vọng của giáo viên khi áp dụng chế độ tiền lương mới?

28/03/2024 08:18

Kinhte&Xahoi Áp dụng chính sách tiền lương mới từ 1/7/2024, mang lại niềm phấn khởi không nhỏ với các giáo viên (GV) vì thu nhập được cải thiện.

Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 của Quốc hội, từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018.

Nghị quyết số 27 có nhiều điểm mới tích cực. Theo đó, phải kể đến việc GV có khoản phụ cấp mới theo nghề, được hình thành khi gộp 3 khoản phụ cấp: Ưu đãi theo nghề; Trách nhiệm theo nghề; Độc hại, nguy hiểm. Đồng thời, bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề giáo.

Cơ cấu tiền lương mới của GV gồm: Lương cơ bản chiếm 70% tổng quỹ lương và các khoản phụ cấp – tương đương 30% tổng quỹ lương và tiền thưởng (nếu có). Lương xếp theo vị trí việc làm, phân định rõ năng lực, trách nhiệm GV.

Những vất vả với nghề Giáo đã được nhìn nhận

Sau khi biết thông tin về chuẩn bị áp dụng chính sách tiền lương mới, nhiều GV bày tỏ niềm vui vì thu nhập được cải thiện. Trong đó, GV có khoản phụ cấp đặc thù nghề nghiệp, điều này cũng góp phần giúp GV trẻ có thêm động lực vượt khó.

Chia sẻ về lương và chính sách nhà giáo, cô Tố Linh - GV cấp 1 tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, khi đã theo nghề Giáo, GV nào cũng tâm huyết, muốn gắn bó với nghề và cô cũng vậy, luôn nỗ lực, không ngừng trau dồi kiến thức để nâng cao chất lượng dạy học...Từ lâu, cô Linh luôn hy vọng mức lương phù hợp để yên tâm công tác. ‘Tôi hy vọng thu nhập của GV sẽ được quan tâm và thay đổi tích cực để GV có thể sống được bằng lương và cống hiến với nghề. Mong các Bộ, ngành xem xét và đề xuất có mức lương tốt hơn trong thời gian ngắn nhất’ - cô Tố Linh bộc bạch.

Theo thầy Tài, chỉ khi được đảm bảo điều kiện tối thiểu về đời sống vật chất, thu nhập mới động viên người lao động gắn bó với nghề Giáo, GV yên tâm tập trung cao độ cho chuyên môn dạy học.

Cũng như cô Linh, thầy Nguyễn Thế Tài - Hiệu trưởng trường TH&THCS Cao Sơn (Bá Thước, Thanh Hóa) hy vọng khi cải cách tiền lương thì thu nhập của GV tăng lên, để đời sống GV ổn định hơn, không phải lo nghĩ nhiều. Theo thầy Tài, chỉ khi được đảm bảo điều kiện tối thiểu về đời sống vật chất, thu nhập mới động viên người lao động gắn bó với nghề Giáo, GV yên tâm tập trung cao độ cho chuyên môn dạy học. Vì vậy, tăng lương chính là đảm bảo nhu cầu vật chất, tinh thần của con người; Hơn nữa, Nhà nước đã xếp lương theo từng vị trí việc làm và đặc thù của mỗi ngành nghề cho thấy, những vất vả với nghề Giáo đã được nhìn nhận.

Từ chia sẻ của nhiều GV, thấy được, chính sách tiền lương mới sớm đưa vào thực tiễn là tin vui của hàng triệu GV trên cả nước. Một khi thu nhập đảm bảo, cuộc sống được cải thiện, các thầy, cô có thể toàn tâm dạy học, tiếp tục bám nghề.

Cô Nguyễn Thị Bình - GV tại Can Lộc, Hà Tĩnh cho rằng, GV thức khuya, dậy sớm để chuẩn bị bài dạy cho học sinh được tốt nhất nên mức lương phù hợp với GV là điều nên triển khai sớm. “Nếu được Chính phủ quan tâm và có chế độ tiền lương mới tương xứng với đặc thù của mầm non sẽ giúp các cô yên tâm công tác” - cô Bình nhấn mạnh.

Cô Bình cũng cho rằng, Nhà nước nên quan tâm, xem xét đến việc trả lương theo vị trí việc làm vì đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục, dự kiến cải cách tiền lương vẫn có phụ cấp đặc biệt đối với GV công tác vùng đặc biệt khó khăn là phù hợp để tiếp tục thu hút thầy, cô giáo công tác tại vùng sâu, xa.

Các thầy, cô mong muốn khi áp dụng chính sách tiền lương mới sẽ theo vị trí việc làm. Nhà nước cần tính toán để lương mới của GV tương đương tổng thu nhập hiện hưởng chứ không bị giảm. Đặc biệt, GV kiêm nhiệm, đảm nhận công việc khó được trả lương xứng đáng.

Giáo viên trăn trở khi bỏ phụ cấp thâm niên

Phụ cấp thâm niên với nhà giáo là một sự khẳng định vị trí của GV, là sự tri ân, nguồn động lực để thầy cô cống hiến, tiếp tục phấn đấu vì sự nghiệp “trồng người”, phụ cấp thâm niên nhà giáo nên giữ vì nó là đặc thù của những người làm nghề “cao quý”.

Từ 1/7 tới, sẽ chính thức bãi bỏ phụ cấp thâm niên nhà giáo. Việc bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề Giáo theo chính sách tiền lương mới khiến nhiều thầy, cô công tác lâu năm trong nghề trăn trở.

Nhiều GV lo lắng, khi đã gắn bó, cống hiến lâu trong ngành Giáo, được hưởng phụ cấp thâm niên mỗi tháng nhưng đến ngày 1/7 tới sẽ bị cắt phụ cấp thâm niên. GV cho rằng, phụ cấp thâm niên là để trân trọng và ghi nhận quá trình gắn bó, cũng như là để giúp người GV công tác lâu năm có thêm động lực.

Thực tế cho thấy, các thầy, cô bày tỏ tâm tư mong muốn giữ nguyên phụ cấp thâm niên để khẳng định sự cống hiến với nghề, giúp họ yên tâm gắn bó với nghề. Hoặc thêm điều kiện đi kèm tương xứng cống hiến của nhà giáo thì mới nhận được phụ cấp thâm niên.

Giữ thâm niên là thể hiện truyền thống ‘tôn sư trọng đạo’, ‘uống nước nhớ nguồn’ của dân tộc Việt Nam.

Cô Nguyễn Loan - GV trường THCS Vũ Tiến, Vũ Thư, Thái Bình cho biết, việc xếp lương theo vị trí việc làm nhìn chung là hợp lý nhưng mỗi ngành có đặc thù riêng, không biết có đảm bảo sự công bằng không? Với ngành Giáo dục, việc giữ thâm niên là thể hiện truyền thống ‘tôn sư trọng đạo’, ‘uống nước nhớ nguồn’ của dân tộc Việt Nam.Vì vậy, cô Loan hy vọng chính sách tăng lương lần này sẽ cải thiện đời sống nhà giáo, để họ tập trung thời gian nghiên cứu vào bài dạy mà không phải lo cơm, áo, gạo, tiền. …..

Phụ cấp thâm niên là sự động viên, khích lệ và ghi nhận về thời gian cống hiến của GV với ngành Giáo dục; Nếu bãi bỏ khoản này sẽ khiến nhiều thầy, cô tiếc nuối. Cô Loan mong Chính phủ hãy quan tâm nhiều tới đời sống của GV - đặc biệt là nhà giáo ở nông thôn, vùng cao, vùng khó. Cô Nguyễn Loan hy vọng dù cắt bỏ phụ cấp thâm niên nhưng tiền lương của GV vẫn sẽ tăng.

Tại trường TH&THCS Cao Sơn (Bá Thước, Thanh Hóa), GV được hưởng các khoản phụ cấp như phụ cấp khu vực, thâm niên, ưu đãi nghề. Tại đây, lương GV mới vào khoảng 5,8 triệu đồng/tháng; còn lương GV công tác lâu năm nhất là 13,9 triệu đồng/tháng. Với 21 nặm công tác trong ngành, mức lương của Hiệu trưởng Nguyễn Thế Tài là 12 triệu. Thầy Tài cũng mong muốn giữ lại tất cả các khoản phụ cấp và có thêm hỗ trợ chính sách đặc biệt cho GV hiện đang công tác tại trường TH&THCS Cao Sơn cũng như GV ở vùng cao, vùng khó.

Từ chia sẻ của nhiều GV, biết rằng việc bỏ phụ cấp thâm niên là đúng quy định nhưng điều này khiến nhiều GV lâu năm cảm thấy e ngại bởi sẽ mất một khoản đáng kể trong thu nhập. Sắp tới, cải cách tiền lương sẽ trả lương theo vị trí việc làm, điều này rất hợp lý và tạo điều kiện phấn đấu cho lớp trẻ. Tuy nhiên, GV lớn tuổi sẽ có nhiều hạn chế, không thể xông pha như thế hệ trẻ. Nếu cắt bỏ phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác nữa thì GV lớn tuổi bất lợi vô cùng.

Hoa Tiên - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TP.HCM sắp có phố đêm Chợ Lớn

Phố đêm Chợ Lớn dự kiến khai thác không gian vỉa hè của 4 tuyến đường: Nguyễn Hữu Thận, Tháp Mười, Lê Tấn Kế, Trần Bình với tổng diện tích hơn 1.500m2.

link bài gốc https://phapluatplus.vn/hy-vong-cua-giao-vien-khi-ap-dung-che-do-tien-luong-moi-197487.html