TP HCM: Kiến nghị mở rộng danh mục thuốc khám chữa bệnh BHYT của trạm y tế

16/01/2024 07:46

Kinhte&Xahoi Trạm y tế phường, xã còn hạn chế về danh mục thuốc, chữa bệnh BHYT, vì vậy chưa thật sự thu hút được người dân đến khám bệnh, chữa bệnh ban đầu.

Người dân đến khám tại trạm y tế phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP HCM

Sở Y tế TP HCM vừa có văn bản gửi Bộ Y tế báo cáo tình hình thực hiện Luật BHYT giai đoạn 2009-2023 và đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung.

Năm 2023, TP HCM có 38.069.635 lượt khám chữa bệnh ngoại trú (tăng 10,19% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 20.384.997 lượt khám chữa bệnh có thẻ BHYT, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2022. Về tình hình điều trị nội trú, năm 2023, có 2.306.875 lượt điều trị nội trú (tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 1.824.744 lượt nội trú có thẻ BHYT, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Sở Y tế TP HCM, điểm b khoản 1 Điều 22 Luật BHYT, người bệnh khi khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại các trạm y tế được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Tuy nhiên, từ năm 2018 - 2022, tỷ lệ khám chữa bệnh BHYT tại tuyến xã ở thành phố chỉ chiếm dưới 2% so với tuyến huyện.

Hiện nay, toàn thành phố đã có 188/310 trạm y tế (chiếm 61%) triển khai khám bệnh, chữa bệnh BHYT, trong đó có 55 trạm hoạt động theo mô hình bác sĩ gia đình. Đồng thời, theo khảo sát của ngành y tế thành phố cũng cho thấy có đến 77,8% người cao tuổi mắc bệnh không lây nhiễm muốn được tái khám và điều trị ngoại trú tại trạm y tế thay vì phải mất nhiều thời gian và công sức đến các bệnh viện nếu trạm có đầy đủ thuốc như các bệnh viện tuyến huyện.

Tuy nhiên do đặc thù của trạm y tế phường, xã là chỉ có 1 bàn khám, còn hạn chế về danh mục thuốc, danh mục dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh BHYT, không có đủ các loại thuốc điều trị ngoại trú như ở bệnh viện tuyến huyện, nhất là các thuốc điều trị tại nhà dùng cho các bệnh không lây nhiễm, vì vậy chưa thu hút được người dân đến khám bệnh, chữa bệnh ban đầu.

Hiện nay, thuốc dùng cho tuyến y tế cơ sở bao gồm các phòng khám của trung tâm y tế quận, huyện, trạm y tế phường, xã trên địa bàn thành phố được cung ứng từ nguồn thuốc phân bổ từ gói thầu tập trung cấp quốc gia, tập trung cấp địa phương (đấu thầu tập trung của thành phố) và gói thầu do các trung tâm y tế quận, huyện tự tổ chức thực hiện.

Để đảm bảo nguồn thuốc và thu hút người dân khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế, Sở Y tế TP HCM kiến nghị cần bổ sung thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho hình thức khám chữa bệnh tại nhà; đồng thời, mở rộng danh mục thuốc khám chữa bệnh BHYT của trạm y tế để triển khai khám chữa bệnh mạn tính tại các trạm như: bệnh lao, tâm thần và khám chữa bệnh tại nhà với các bệnh nhân không đi lại được.

Bên cạnh nhóm bệnh thông thường hay gặp, nhóm các bệnh không lây nhiễm (đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh phổi mạn tính, ung thư) đã được Sở Y tế xác định là ưu tiên cho công tác chăm sóc sức khoẻ người dân tại các trạm y tế. Đây là nhóm bệnh khá phổ biến và là nguyên nhân hàng đầu tính trong dân số (chiếm 70% trong số tử vong của dân số).

Ngọc Quyên - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/tp-hcm-kien-nghi-mo-rong-danh-muc-thuoc-kham-chua-benh-bhyt-cua-tram-y-te-d203377.html