Chờ đợi gì từ thị trường xe hơi 6 tháng cuối năm?

04/07/2020 07:58

Kinhte&Xahoi Khi phí trước bạ giảm 50% với xe trong nước, nhu cầu xe trong nước có thể tăng lên và xe nhập sẽ giảm đi. Tuy nhiên, nếu các hãng xe nhập chơi tất tay, có thể thị trường xe Việt sẽ biến chuyển khác.

Cùng phân khúc, cùng mức giá: Xe trong nước có lợi hơn xe nhập

Với việc phí trước bạ giảm 50%, xe sản xuất và lắp ráp trong nước sẽ có lợi thế hơn so với xe nhập khẩu cùng phân khúc, cùng mức giá.

Cụ thể, so sánh bản Fortuner (máy dầu) 2.8V, bản 2 cầu với Ford xEverest (máy cầu), bản 2 cầu, cũng có mức giá ngang ngửa nhau. Fotuner có giá 1,354 tỷ đồng, trong khi đó, Ford Everest có giá hơn 1,399 tỷ đồng.

Phí trước bạ giảm 50%, xe lắp ráp có lợi thế hơn xe nhập

Nếu khách hàng mua Fortuner lắp ráp trong nước, phí trước bạ chỉ phải đóng từ 5-6% có thể được giảm từ 67 - 81 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, nếu mua xe Everest nhập khẩu, sẽ phải đóng phí trước bạ đủ 10-12%, mức giá lăn bánh xe tăng thêm từ 140 đến 168 triệu đồng/chiếc.

Giá cho bản xe Fortuner sau phí trước bạ dao động từ 1,4 đến 1,43 tỷ đồng/chiếc, trong khi giá chiếc Everest rơi vào khoảng 1,5 đến trên 1,56 tỷ đồng/chiếc.

So sánh trong dòng Crossover giữa mẫu Mazda CX5 bản Premium bản lắp ráp trong nước và Honda CRV bản cao cấp nhất L, nhập khẩu đều có mức giá khoảng 1 tỷ 090 triệu đồng, sẽ thấy rõ lợi thế giảm phí trước bạ.

Cụ thể, mức tính phí trước bạ của Mazda CX5 bản Premium chỉ là 5-6%, trong khi của Honda CRV bản L là 10-12%. Phí trước bạ của CX5 chỉ từ 54 đến 65 triệu đồng/chiếc, trong khi bản CRV là từ 109 đến 130 triệu đồng. Mức phí trước bạ chênh nhau, khiến giá sau phí trước bạ của hai mẫu xe này khác biệt.

Cụ thể, xe Mazda CX5 có giá chỉ từ 1,1 tỷ đồng đến hơn 1,150 tỷ đồng/chiếc, trong khi bản CRV là từ 1,2 đến hơn 1,220 tỷ đồng/chiếc.

Rõ ràng, nếu gạt bỏ thị hiếu và khách hàng là "fan cuồng" của các thương hiệu xe, cùng một mức giá, để chọn cùng tiêu chí, chắc chắn người tiêu dùng sẽ cân nhắc chọn những mẫu xe có lợi về giá sau lăn bánh càng nhiều càng tốt.

Lợi thế trên chỉ diễn ra khi giả sử mọi thứ diễn ra theo một chiều, các hãng xe nhập không thực hiện chính sách chiết khấu hãng, đại lý và lợi nhuận của nhân viên cho khách. Tuy nhiên, trong một thị trường đang có sự cạnh tranh, các hãng xe, đại lý đều tìm điểm yếu của nhau để làm công cụ cạnh tranh, đạt doanh số.

Xe nhập sẽ đứng yên chờ khách quay lưng?

Hiện giá xe trong nước sau phí trước bạ có lợi hơn xe nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, nhiều người đã nghĩ ngay đến chuyện thị trường xe hơi và người tiêu dùng xe Việt nằm trong tay của các hãng xe trong nước.

Xe nhập không chịu ngồi yên, giảm giá bán xe sẽ là ưu tiên cạnh tranh với xe nhập

Tuy nhiên, thực tế không hẳn vậy, chính các hãng xe trong nước đang chịu gặp áp lực lớn từ doanh số và bài toán kinh doanh.

Các hãng xe nhập từ Thái Lan, Indonesia vào Việt Nam hiện vẫn có mức giá bán cao hơn so với giá bán cùng mẫu tại thị trường Thái Lan, Indonesia hay Philippines, dư địa cho việc giảm giá xe tại Việt Nam vẫn còn rất lớn, nếu chịu hy sinh một phần lợi nhuận, các hãng xe nhập sẵn sàng giảm giá, hỗ trợ khách hàng bằng chính mức giảm 50% phí trước bạ.

Trong khi đó, hầu hết các hãng xe trong nước đã chủ động rút ngắn, thậm chí cắt khuyến mại, giảm giá các mẫu xe, chỉ còn một vài mẫu giảm giá để đẩy hàng tồn như Kia Sorento.

Điều này khiến người tiêu dùng không mấy thiện cảm, thậm chí coi các doanh nghiệp, đại lý xe trong nước làm ăn cơ hội và không vì người tiêu dùng.

Thực tế, việc giảm 50% phí trước bạ thực chất là giảm tiền của người mua xe trong nước đóng nghĩa vụ cho nhà nước, cũng đồng thời tạo cơ sở cạnh tranh lý tưởng cho các hãng xe trong nước, là cơ hội để các doanh nghiệp lấy hình ảnh, uy tín của mình đối với người tiêu dùng Việt.

Hiện, ở thị trường xe giá rẻ, xe nhập không thể cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước, ở phân khúc phổ thông đã ít xe, nay khả năng cạnh tranh càng khó hơn. Khả năng cạnh tranh lớn nhất của các dòng xe nhập chính là phân khúc xe hạng B và C.

Đối với các dòng xe hạng B, nếu các hãng xe nhập cạnh tranh vì doanh số, bắt buộc họ giảm giá để lôi kéo khách hàng. Ví dụ như Honda CRV, Mitsubishi Xpander, Suzuki XL7... đều có khả năng giảm giá và cạnh tranh trước các đối thủ như Mazda CX5, Toyota Innova hay Kia Rondo.

Ở phân khúc cao cấp hạng C hoặc SUV cao cấp như Lexus, BMW X7, Audi Q7 chẳng hạn, xe trong nước không có mẫu nào cạnh tranh và nhóm khách hàng của các dòng xe này ở phân khúc riêng nên khả năng bị ảnh hưởng bởi chính sách ưu đãi 50% phí trước bạ xe trong nước không nhiều.

Nguyễn Tuyền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng

Hà Nội có nhiều nông sản mang đặc trưng vùng, miền đã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và được thành phố xếp hạng theo từng mức sao. Thế nhưng việc thực hiện mục tiêu kép - đưa sản phẩm OCOP ra thị trường nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người sản xuất và giúp người tiêu dùng tiếp cận với những sản phẩm chất lượng cao vẫn là vấn đề cần được quan tâm hơn nữa.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/kinh-doanh/cho-doi-gi-tu-thi-truong-xe-hoi-6-thang-cuoi-nam-20200703170002905.htm