Nguyên nhân còn hơn 117 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ

28/02/2023 08:03

Kinhte&Xahoi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện vẫn còn 117.313 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước còn lại các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa phân bổ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến hết ngày 17/2/2023, vẫn còn 117.313 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước còn lại các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa phân bổ chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án, bằng 15,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó, vốn ngân sách trung ương là 63.697 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là 53.615 tỷ đồng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân trên, là do công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị giao kế hoạch hàng năm của nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn thiếu chủ động và chậm trễ.

Hình ảnh minh họa.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, có 33 bộ, cơ quan trung ương và 55 địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương; trong đó có Bộ Y tế, Kiểm toán Nhà nước, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam chưa thực hiện phân bổ (0%) kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023.

Cùng với đó, có 19 địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch vốn ngân sách địa phương; trong đó có 4 địa phương là Lạng Sơn, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk chưa thực hiện phân bổ (0%) chi tiết kế hoạch vốn ngân sách địa phương năm 2023 trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công theo đúng quy định.

Đối với ngân sách trung ương, một số dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư (trong đó chủ yếu là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội); dự án quá thời gian bố trí vốn, dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chưa hoàn thành thủ tục ký hiệp định vay, chưa được ký thỏa thuận vay với nhà tài trợ hoặc đang lấy ý kiến nhà tài trợ để hoàn thiện thủ tục sử dụng vốn dự...

Đối với vốn ngân sách địa phương, các dự án dự kiến khởi công mới năm 2023 chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, nguồn chi đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất chưa giao hết do vướng mắc liên quan đến đất đai, địa chính.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mặc dù, về cơ bản các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai giao kế hoạch đáp ứng yêu cầu dự án có thể giải ngân từ đầu năm…; cơ bản bố trí vốn theo các nguyên tắc, tiêu chí quy định.

Tuy nhiên, 56 bộ, cơ quan trung ương, địa phương vẫn còn tình trạng phân bổ vốn cho dự án bố trí vốn quá thời gian quy định, phân bổ cho một số dự án chưa đủ điều kiện giải ngân như dự án khởi công mới chưa có quyết định đầu tư; dự án chuẩn bị đầu tư chưa có quyết định phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư. Các trường hợp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị điều chỉnh lại phương án phân bổ.

Để đẩy nhanh tiến độ phân bổ nguồn vốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được giao; bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện dự án quan trọng quốc gia, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm.

 Châu Anh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quy định mới về tiền lãi danh nghĩa trái phiếu Chính phủ

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 12/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 107/2020/TT-BTC hướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ (TPCP) từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/5/2023.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/nguyen-nhan-con-hon-117-nghin-ty-dong-von-dau-tu-cong-chua-duoc-phan-bo-d190635.html