Kinh doanh khách sạn: Nỗi lo “tái thiết” hậu Covid-19

13/08/2020 11:26

Kinhte&Xahoi Vừa mới mở cửa hoạt động được vài tháng sau “cú sốc” Covid-19 hồi đầu năm, nhiều khách sạn ở phố cổ Hà Nội nay tiếp tục đóng cửa vì không có khách hoặc phải sang nhượng với giá rẻ khi dịch quay trở lại.

Khách sạn Majestic Sài Gòn giảm giá sâu.

Kinh doanh khách sạn tại Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung được dự đoán là một trong các ngành cần nhiều thời gian nhất để hoàn toàn phục hồi.

Loay hoay “tự cứu”

Khác với cảnh quanh năm nhộn nhịp trước đây, các khách sạn phố cổ Hà Nội hiện giờ đều chịu cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Lần thứ hai dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng, kinh doanh dịch vụ lưu trú ở Hà Nội và toàn quốc càng khó khăn vì không có nguồn thu. 

Theo thống kê, hết tháng 8/2020 tỷ lệ hủy phòng các khách sạn vào khoảng 98% - 100% ở hầu hết các địa phương; Hà Nội hủy 32.000 tour, TP.HCM hủy 35.000 tour. Trong thời gian vừa qua, công suất hoạt động của các cơ sở lưu trú đạt từ 0% đến 20% là nhiều, so với 80%-100% cùng kỳ năm ngoái (bởi là hai tháng cao điểm du lịch).

Đối với các thương hiệu khách sạn lớn đa quốc gia như Sheraton, JW Marriott, Intercontinental… tỉnh trạng chỉ đạt chưa đến 50% công suất kéo theo thiệt hại to lớn qua từng ngày và nhiều hệ luỵ khác. Số lượng lớn nhân viên nguy cơ thất nghiệp.

Mặt khác, đại dịch bùng phát lần hai đã khiến các khách sạn quy mô nhỏ (thu nhập khoảng từ 200 đến 300 triệu) hầu như “khánh kiệt”, phải đóng cửa hoặc rao bán với giá rẻ để thanh toán các món nợ vay, nợ lương nhân viên, tiền thuê đất, thuê nhà…

Trước tình thế khó khăn, các chủ khách sạn phải nhanh chóng tự đưa ra biện pháp “tự cứu mình”. Nhiều khách sạn 4-5 sao đã ngay lập tức chuyển từ những dịch vụ ăn uống tại các nhà hàng sang trọng sang hình thức bán đồ ăn online, với các gói ship đồ ăn tận nhà cho khách hàng. 

Các chiến lược giảm giá “cực khủng” cho cư dân trong cùng địa bàn được triển khai. Mới đây, các thương hiệu khách sạn hạng sang ở TP HCM như Majestic, Sofitel, Mường Thanh đã áp dụng mức giảm giá từ 30%-80% cho toàn bộ dịch vụ ăn, nghỉ, thể thao, vui chơi đẳng cấp. Chương trình khuyến mãi đã thu hút nhiều người dân Sài thành hưởng ứng vì vừa được trải nghiệm những dịch vụ đắt tiền mà giá cả lại phải chăng, điều trước đây chưa từng có.

Từ kinh nghiệm lần đầu tiên Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng, các cơ sở kinh doanh không thiết yếu như nhà hàng, khách sạn được cho phép mở lại từ một phần hoạt động cho đến toàn bộ hoạt động.

Thực tế cho thấy ngành khách sạn có tốc độ phục hồi khá chậm, do phụ thuộc vào các chính sách về du lịch, các chương trình, tour, tuyến của các công ty lữ hành. Chưa kể, do mới chỉ mở cửa lại được vài tháng, nhiều chủ khách sạn vẫn chưa định hình được tình hình hoạt động trong thời gian tới và thay đổi các chính sách quản lý, thu hút khách cho kịp thời.

Mặt khác, tài chính là vấn đề lớn nhất các khách sạn gặp phải. Nhiều chủ khách sạn cho rằng ngân hàng chỉ giảm lãi suất vay từ 0,5% - 2% không thể giảm bới áp lực khoản vay rất lớn trong khi nguồn thu lại không đủ. Trong giai đoạn dịch bệnh, phần lớn các nhà hàng và khách sạn đều áp dụng chiến lược tạm ngưng một phần hoặc hoàn toàn hoạt động kinh doanh để cắt giảm chi phí, phần nào ổn định tài chính cho đến khi hoạt động trở lại. 

Các kế hoạch khác để kích cầu mua sắm hậu Covid-19 gặp khúc mắc ở chỗ còn phụ thuộc vào các chính sách kích cầu du lịch của Chính phủ đối với du khách nội địa và quốc tế. Hiện các khách sạn chỉ đưa ra được các chiến lược giúp bù đắp sự sụt giảm doanh thu trong ngắn hạn, tuy nhiên nguồn khách hàng mục tiêu sau khi kiểm soát được dịch bệnh trong cộng đồng vẫn là dấu hỏi lớn cho các chủ khách sạn.

“Then chốt” là công nghệ

Tình trạng khách sạn đìu hiu cũng là thảm cảnh chung của ngành khách sạn trên thế giới hiện nay. Nhiều quốc gia bắt đầu hướng tới việc sử dụng công nghệ để tái thiết ngành du lịch sau dịch Covid-19. Tại Singapore, ông Keith Tan, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore, cho biết: “Trạng thái bình thường mới của du lịch sẽ tập trung vào các giao dịch không tiếp xúc, như điểm kiểm tra nhập cảnh, đăng ký khách sạn và thanh toán nhằm hạn chế các tương tác vật lý và điểm tiếp xúc”.

Do đó, nhiệm vụ hàng đầu của các công nghệ mới hiện nay là giảm thiểu tiếp xúc vật lý, góp phần giúp nâng cao các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn.

Bà Kwee Wei-Lin - Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Singapore - cho biết các khách sạn trên toàn quốc sử dụng công nghệ ánh sáng tia cực tím để vệ sinh chìa khóa phòng và các thiết bị dùng chung của nhân viên...

Một ví dụ khác là đại diện Tập đoàn Far East Hospitality tại Singapore cho biết sẽ sử dụng rô-bốt để tăng tần suất dọn dẹp, làm sạch các khu vực cộng đồng như hành lang và phòng chờ. Ngoài ra, du khách và nhân viên khách sạn sẽ giao tiếp với nhau thông qua màn hình cảm ứng. Các mẫu đơn đăng ký, thực đơn nhà hàng và vé tham quan đều sẽ được trực tuyến hóa.  

Còn chuyên trang du lịch Tourism Review (Anh) mới đây đã đề xuất việc sử dụng công nghệ giao tiếp trường gần (Near Field Communications – NFC) trong kinh doanh khách sạn và du lịch. Theo đó, việc sử dụng công nghệ NFC có thể thay đổi hoàn toàn cách thức giao tiếp giữa nhân viên khách sạn và khách hàng từ trước đến nay.

Nói nôm na là mọi thủ tục cơ bản như đặt phòng, thanh toán, trả phòng và các yêu cầu của khách hàng trong thời gian cư trú đều được số hoá và thực hiện thông qua các công cụ thông minh như smartphone, laptop, ipad, … 

Nhờ đó, du khách có thể nhận phòng sớm, nhận chìa khoá thông qua công nghệ NFC và đi thẳng vào phòng nghỉ mà không cần tiếp xúc với nhân viên lễ tân hay đám đông khách hàng khác. Như vậy, lực lượng lễ tân có thể “mỏng” hơn nhưng khách sạn vẫn phải tạo được sự thoải mái cho khách hàng thông qua các trải nghiệm của họ ở cơ sở lưu trú.

Hiện, công nghệ này chưa được nhiều khách sạn áp dụng ở nước Anh nhưng chuyên trang này khẳng định đây sẽ là một xu hướng tất yếu trong tương lai mà thế giới buộc phải “sống chung” với Covid.

Mới đây, trong hội nghị trực tuyến của Tổng cục Du lịch về tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, nhiều khách sạn đã bày tỏ mong muốn cấp thiết với Chính phủ về các chính sách giảm các chi phí lớn của doanh nghiệp để duy trì ổn định nguồn nhân lực và đảm bảo xoay sở kịp thời khi dịch lắng xuống.

Các chi phí đó bao gồm: giảm tiền điện, nước, viễn thông, tiền thuê đất,… kéo dài đến hết năm 2020; đồng thời giảm thuế VAT, giảm lãi suất cho vay (hiện tại giảm 1-2% không đáng kể), cơ cấu nhóm nợ, hoãn nợ… đến năm 2021. Đại diện các cơ quan chức năng tham dự hội nghị cũng bày tỏ sự quan tâm sâu sắc và sẽ tham mưu, đề xuất Chính phủ sớm đưa ra chính sách, giải pháp phù hợp.

 Việc thực hiện nhiệm vụ kép “vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế” đặt một gánh nặng to lớn lên ngân sách nhà nước và toàn xã hội. Đến nay, thế giới nói chung hay Việt Nam nói riêng đều đang dần học cách “sống chung” cùng với Covid-19, cuộc chiến này có thể kéo dài. Do vậy, các doanh nghiệp cũng cần bắt đầu thích nghi với trạng thái bình thường mới. Trong đó, yếu tố sáng tạo được xem là giá trị cốt lõi và là chìa khóa để tạo ra nguồn doanh thu mới. 

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương: “Các khách sạn trong thành phố cần đưa ra những chính sách hấp dẫn để có thể thu hút nhóm khách công vụ và nghỉ dưỡng. Hình thức “Du lịch tại chỗ”- “Staycations” là một trong những ví dụ điển hình, theo đó các khách sạn nhắm đến phân khúc khách hàng ở khu vực lân cận bằng cách mang đến những gói trải nghiệm gồm chỗ lưu trú, ăn uống và đầy đủ tiện ích.

Khách hàng vẫn trải nghiệm như một chuyến du lịch thông thường ngay tại nơi họ đang sinh sống hoặc khu vực lân cận mà không cần phải đi xa. Chúng tôi hy vọng các nhà hàng cũng sẽ áp dụng những chiến lược tương tự bằng cách đưa ra các chương trình tiếp thị và quảng bá sáng tạo để có thể thu hút khách địa phương nhiều hơn, ví dụ các bữa ăn cuối tuần theo chủ đề.

Các hình thức lưu trú cũng có thể đưa ra các gói trải nghiệm cho khách hàng như cung cấp đầu bếp riêng cho du khách”.

 
 



 Đỗ Trang - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đẩy mạnh bán vé xe qua mạng để phòng, chống dịch Covid-19

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 3827/UBND-ĐT ngày 10-8-2020 về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong điều kiện diễn biến mới, phức tạp của dịch Covid-19 trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 và khai giảng năm học mới 2020-2021.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/kinh-doanh-khach-san-noi-lo-tai-thiet-hau-covid-19-d132037.html