Xót xa hàng chục hecta "đất vàng" bỏ hoang giữa lòng TP Biên Hoà

22/02/2024 17:05

Kinhte&Xahoi Gần 20 hecta đất công nằm ở vị trí “vàng” đã bị bỏ hoang 17 năm nay sau khi giao cho Amata Biên Hoà triển khai Dự án Khu thương mạI.

Dự án trên giấy

Báo Pháp luật Việt Nam nhận được nhiều ý kiến phản ánh hiện quỹ đất của Đồng Nai để xây dựng các khu kinh tế đang thiếu, nhất là những khu đất sạch có diện tích từ 20 ha trở lên. Thế nhưng ngay tại trung tâm TP Biên Hòa có một khu đất vàng rộng gần 20 ha được phê duyệt triển khai dự án khu thương mại từ năm 2007 nhưng gần 17 năm trôi qua vẫn chưa làm xong đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) khiến dư luận bức xúc.

Phần lớn diện tích đất của Dự án Khu thương mại Amata đang bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Amata Việt Nam (nay là Amata Biên Hòa) đã được giao triển khai Dự án Khu thương mại Amata tại phường Long Bình, TP Biên Hòa với quy mô tổng diện tích đất là 19,19 ha theo Giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Đồng Nai cấp lần đầu vào ngày 21/8/2007. Giấy chứng nhận này sau đó được thay đổi và điều chỉnh thêm hai lần nữa với mục tiêu đầu tư xây dựng khu thương mại dịch vụ, nhà ở để bán và cho thuê.

Ngày 7/10/2010, trong văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai, Amata Biên Hòa cho biết nhằm xây dựng, phát triển một khu đô thị - thương mại hiện đại và hoàn hảo thuộc hàng bậc nhất ngay tại TP Biên Hòa, Amata Biên Hòa đã xin điều chỉnh quy hoạch 1/500 cho toàn Dự án Khu thương mại Amata. Quy hoạch điều chỉnh đã giao cho Công ty Surbana – nhà quy hoạch chuyên nghiệp hàng đầu Singapore thực hiện và đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt.

Theo quy hoạch được duyệt, dự án trên sẽ phát triển các khu chức năng thương mại, dịch vụ, văn phòng, khách sạn 5 sao, trường học quốc tế, phòng khám chất lượng cao, căn hộ cao cấp, biệt thự và khu giải trí... Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam, hiện Dự án Khu thương mại Amata hoàn toàn không có bệnh viện quốc tế, trường học quốc tế, các khách sạn – nhà hàng cao tầng, những khu biệt thự... như trong giấy chứng nhận đầu tư đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt. Phần lớn diện tích đất nằm trong dự án đang bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Phần lớn diện tích đất của Dự án Khu thương mại Amata đang bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Giao đất nhưng không sử dụng

Bà Đào Thị Thanh Hoài, Trưởng phòng Quy hoạch thuộc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai cho biết, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai đang đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét lại nguồn gốc đất đã giao cho Dự án thương mại Amata.

Theo bà Hoài nguyên nhân là do một phần diện tích đất đã giao cho Dự án Khu thương mại Amata trước đây có nguồn gốc là đất công do các đơn vị nhà nước quản lý và sử dụng. Vì vậy, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, hiện Sở TN-MT Đồng Nai đang đề nghị các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, rà soát lại hồ sơ xem xét việc bồi thường đối với những diện tích đất công này đã đúng quy định pháp luật hay chưa. Để từ đó, Sở TN-MT Đồng Nai tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai xử lý theo quy định của pháp luật.

“Hiện Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai đã gửi văn bản đề nghị UBND TP Biên Hòa cung cấp hồ sơ liên quan đến nguồn gốc đất công của Dự án Khu thương mại Amata nhưng chưa nhận được phản hồi của UBND TP Biên Hòa”, bà Hoài cho biết.

Một góc nhếch nhác của Dự án Khu thương mại Amata.

Qua vụ việc trên, các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai cần tập trung làm rõ phần đất công đã giao cho Amata Biên Hòa: diện tích, phương thức giao như thế nào, có đúng quy định của pháp luật không là rất quan trọng.

Thiết nghĩ, cơ quản lý nên rà soát hồ sơ toàn bộ diện tích đất của Dự án Khu thương mại Amata. Trong trường hợp nếu chủ đầu tư để hoang quá lâu, cần xem xét việc thu hồi lại, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có uy tín, đủ năng lực thực hiện dự án tránh trường hợp đất vàng bỏ hoang gây lãng phí nhiều năm.

Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật. Đất đai quan trọng là thế, đất đai ở các đô thị lớn lại càng đặc biệt quan trọng, trong khi quỹ đất của Đồng Nai đã cạn kiệt, nhất là quỹ đất của thành phố loại 1 như Biên Hòa lại càng hiếm thì việc gần 20 ha đất vàng bỏ hoang là điều không thể chấp nhận được.

Theo Luật sư Đinh Trọng Liên (Đoàn Luật sư Đồng Nai), quy định tại khoản 3, Điều 12 Luật Đất đai thì việc bỏ hoang không sử dụng đất đai là hành vi bị nghiêm cấm.

Căn cứ điểm I khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013: Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời gian được gian hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

Tiến Dũng – Trọng Trung - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc chttps://www.phapluatplus.vn/dien-dan-luat-su-chuyen-gia/xot-xa-hang-chuc-hecta-dat-vang-bo-hoang-giua-long-tp-bien-hoa-d204611.html