Dự án Sakura Tower 47 Vũ Trọng Phụng: Người dân có quyền khởi kiện chủ đầu tư ra Toà

03/01/2020 16:45

Kinhte&Xahoi Trong khi Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án đầy tai tiếng này, điều mà cư dân mua phải những căn hộ xây sai phép đang quan tâm là đến bao giờ họ mới được cấp sổ hồng?

Loạt sai phạm đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ rõ

Tổ hợp căn hộ, văn phòng, thương mại Sakura Tower (gọi tắt là Dự án Sakura Tower) có địa chỉ 47 Vũ Trọng Phụng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) do Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn làm chủ đầu tư (CĐT) và Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vinaconex - Alphanam chịu trách nhiệm thi công. Dự án khởi công từ cuối năm 2009, tổng diện tích đất là hơn 2.600m2, diện tích đất xây dựng gần 1.300m2 tương ứng mật độ xây dựng 48,2%. Hiện tại dự án này đã trở thành Tòa nhà với tên gọi Alphanam.

Mặc dù, dự án trên đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ nhiều năm trước, thế nhưng, những ồn ào tại dự án này đến giờ vẫn chưa chấm dứt. Được biết, Thanh tra Chính Phủ (TTCP) đã kết luận hàng loạt sai phạm tại dự án tai tiếng này.

Nhiều công ty thành viên của Tập đoàn Alphanam có trụ sở tại tòa nhà 47 Vũ Trọng Phụng.

Theo đó, kết luận của TTCP chỉ rõ, Chủ đầu tư khởi công công trình vào quý IV/2009 trước khi được UBND TP Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án vào tháng 3/2010.

“Tại thời điểm khởi công dự án, Chủ đầu tư chưa được Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép xây dựng. Đến ngày 18/1/2012, Sở Xây dựng Hà Nội mới cấp Giấy phép xây dựng số 13/GPXD để xây dựng dự án. Điều này vi phạm Khoản 1 Điều 11, Điều 15, Điểm đ Khoản 1 Điều 36 Luật Đất đai 2003, Khoản 2 Điều 10, Khoản 2 Điều 72 Luật Xây dựng năm 2003”.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra vấn đề tồn tại liên quan đến quy hoạch của dự án. Cụ thể, ngày 14/5/2009, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội có Văn bản số 1061/QHKT-P2 chấp thuận phương án thiết kế kiến trúc công trình vượt 4 tầng (1 tầng lửng, 2 tầng kỹ thuật và 1 tầng mái) so với quy hoạch tổng mặt bằng (công trình 22 tầng, không thể hiện có tầng kỹ thuật) là vi phạm Khoản 4 Điều 30 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.

Liên quan đến xây dựng, Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra việc “Chủ đầu tư đã xây dựng công trình 28 tầng (27 tầng + 1 tum thang máy), vượt 2 tầng căn hộ so với phương án kiến trúc và hồ sơ xin phép xây dựng. Diện tích xây dựng mỗi tầng căn hộ xây vượt 1.012m2/tầng, diện tích sử dụng là 839,5m2/tầng”.

Ngoài ra, Chủ đầu tư còn xây dựng 2 tầng kỹ thuật không đúng quy hoạch được phê duyệt và tự ý chuyển đổi công năng. Cụ thể, tầng kỹ thuật giữa tầng 2 và tầng 3 cao 4,5m, hiện cho thuê làm văn phòng; tầng kỹ thuật giữa tầng 11 và tầng 12 cao 3m, đã chia thành 14 căn hộ.

Theo hồ sơ xin phép xây dựng được chấp thuận, diện tích xây dựng công trình không bao gồm tầng kỹ thuật gần 23.625m2, thực tế thi công là 26.531m2, vượt 2.906m2; có tầng kỹ thuật là 25.850m2, thực tế thi công là 28.808m2, vượt 2.958m2.

“Việc CĐT xây dựng không đúng quy hoạch được duyệt, không đúng hồ sơ cấp phép xây dựng, sử dụng không đúng mục đích, công năng nói trên là vi phạm Khoản 2 Điều 10, Khoản 1 Điều 36, Khoản 2 Điều 68 Luật Xây dựng năm 2003".

Bên cạnh những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ còn xác định liên ngành phê duyệt tiền sử dụng đất của Dự án Sakura Tower tại Quyết định số 1286/QĐ-UBND ngày 15/3/2011, đã đưa một số khoản chi phí vào tổng chi phí phát triển để giảm trừ khi xác định giá thu tiền sử dụng đất không đúng, với số tiền hơn 34,4 tỷ đồng. Trong đó, chi phí kiểm định và chứng nhận phù hợp chất lượng là 2,16 tỷ đồng (1% chi phí xây dựng), chi phí dự phòng là hơn 32,2 tỷ đồng.

Xin đừng lãng quên sai phạm

Theo ghi nhận mới nhất của Phóng viên Pháp luật Plus tại tòa nhà Alphanam. Tầng kỹ thuật 1 (tầng 3B): Diện tích sử dụng là 1.112,7m2 để bố trí văn phòng làm việc của công ty Alphanam và các công ty thành viên; Tầng kỹ thuật 2 (tầng 12B): Diện tích sử dụng 1.164,4m2 để bố trí các căn hộ nhà ở cho cán bộ công nhân viên công ty hoặc cho thuê; Tầng 24, tầng 24B, tầng mái.
Tầng 24B tại Tòa nhà 47 Vũ Trọng Phụng.

Cũng theo phản ánh từ một hộ dân mua căn hộ tầng 24B cho biết: "Gia đình tôi mua nhà tại đây từ năm 2013, đến thời điểm hiện tại gia đình vẫn chưa có sổ hồng. Chủ đầu tư vẫn hứa hẹn sẽ làm sổ hồng cho người dân trong thời gian tới và cũng đang liên hệ các cơ quan chức năng để làm. Cũng đã họp nhiều lần, và vướng mắc vẫn là do tầng này là tầng kỹ thuật làm thêm căn hộ, nên họ chưa làm sổ được”.

Việc để dự án tồn tại nhiều sai phạm trong một thời gian dài nhưng không xử lý triệt để dư luận đang hoài nghi việc UBND quận Thanh Xuân và các cơ quan chức năng của TP Hà Nội có bị lãng quên những sai phạm tại dự án 47 Vũ Trọng Phụng (Dự án Sakura Tower).

Nhiều hộ gia đình vẫn đang sinh sống tại dự án 47 Vũ Trọng Phụng đang tỏ ra lo lắng khi chưa biết đến khi nào mới được nhận sổ hồng.

Để khách quan thông tin tới bạn đọc trong cuộc trao đổi với đại diện Tập đoàn Alphanam liên quan đến các dự án bất động sản của đơn vị này thì được biết: ”Hiện dự án này đã xong rồi”.

Hiện tại hàng chục căn hộ tại dự án Dự án Sakura Tower mặc dù đã vào ở nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ hồng khiến cho cư dân không khỏi lo lắng. Trách nhiệm của chủ đầu tư, Tập đoàn Alphanam ở đâu khi bỏ mặc quyền lợi của cư dân?

Có quyền khởi kiện chủ đầu tư

Xoay quanh vấn đề này, tại buổi giao lưu trực tuyến: "Tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại các dự án phát triển nhà ở" vừa được tổ chức tháng 11/2019, các nhà quản lý đều cho rằng, người dân có thể kiện ra tòa nếu chủ đầu tư không tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Tại toà đàm, ông Mai Văn Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TN&MT), việc khó cấp sổ hồng cho người mua nhà ở các dự án nhà ở thương mại là do lỗi của chủ đầu tư. Trong đó có thể kể đến việc chủ đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục về đầu tư pháp lý nhưng đã tổ chức triển khai dự án và bán nhà cho người mua nhà; thực hiện đầu tư xây dựng không đúng quy định của pháp luật về xây dựng như: Xây dựng không đúng giấy phép hoặc thiết kế, quy hoạch chi tiết được duyệt (xây dựng vượt diện tích, vượt số tòa, số căn, số tầng, xây không đúng vị trí, tự ý thay đổi mật độ xây dựng, công năng công trình)...; chủ đầu tư vừa thực hiện việc thế chấp tài sản tại ngân hàng đồng thời lại tổ chức bán tài sản (căn hộ) cho người mua…

Bàn luận về tính pháp lý tại dự án này, Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh cho biết: "Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 đã quy định rất rõ về việc bảo vệ quyền lợi của người mua nhà (quy định khống chế số tiền tối đa được thu của chủ đầu tư) cũng như quyền yêu cầu chủ đầu tư bồi thường thiệt hại (nếu có) trong việc thực hiện các thỏa thuận trong hợp đồng (trong đó có trách nhiệm làm thủ tục và bàn giao sổ hồng cho người dân). Đó là căn cứ pháp lý mà người dân có thể bám vào để đòi quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Vì vậy, người mua nhà có quyền khởi kiện chủ đầu tư ra tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình khi chủ đầu tư không thực hiện việc làm thủ tục và đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn làm thủ tục cấp sổ hồng".

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/du-an-sakura-tower-47-vu-trong-phung-nguoi-dan-co-quyen-khoi-kien-chu-dau-tu-ra-toa-d114436.html